Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử trong gia đình

Đăng ngày 02 - 11 - 2020
Lượt xem: 2.508
100%

 

Ứng xử văn hóa trong gia đình là nét đẹp lâu đời, một nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam, ở đó là sự thuận hòa, chung thủy, nghĩa tình, lòng yêu thương và hy sinh cho con cái; tôn trọng và hiếu lễ với cha, mẹ, anh, chị, em... đó cũng chính là những chủ đề ngày Gia đình Việt Nam hàng năm với thông điệp “Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình”.

Mục tiêu chủ yếu của công tác gia đình trong thời kỳ công nghiệp hoá và hiện đại hoá là ổn định, củng cố và xây dựng gia đình theo tiêu chí ít con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc để mỗi gia đình Việt Nam thực sự là tổ ấm của mỗi người và là tế bào lành mạnh của xã hội; là nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Gia đình hạnh phúc là khi chúng ta biết trân trọng, nâng niu những khoảnh khắc bên những người thân của mình, là hành vi, là ứng xử một cách có văn hóa để làm sao bản thân thấy được niềm vui, tình cảm yêu thương trong cách ứng xử đó. Tuy nhiên, cuộc sống luôn có những vấn đề xảy ra, có buồn, có vui, có hạnh phúc, đau khổ và cái cách người ta đối xử với nhau không phải lúc nào cũng giống nhau nếu như không đặt văn hóa ứng xử lên hàng đầu. Trong gia đình cũng vậy, việc giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình luôn được xem là trách nhiệm lớn đối với mỗi thành viên trong gia đình. Nếu không có trách nhiệm đồng nghĩa với việc không tồn tại của 2 từ “gia đình”, lúc đó mỗi thành viên trong gia đình sẽ sống một cách tự do, thậm chí là không hoặc thiếu đạo đức. Thực tế trong cuộc sống đã có nhiều câu chuyện buồn xảy ra ngay ở trong những gia đình hiện đại. Đó là hành vi bạo lực con cái, chồng hoặc vợ ngoại tình, con cái không hiếu thuận hắt hủi và bạo lực cha mẹ... Những điều này đã và đang còn xảy ra trong cuộc sống, mà nguyên nhân cũng chính từ sự thiếu hiểu biết và thiếu văn hóa, mà thiếu văn hóa thì không có gì là không thể xảy ra.


( Nguồn ảnh : sưu tầm )

Theo đó, với chủ đề “ Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình”, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ninh Thuận hàng năm đã ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động tuyên truyền về “Ngày Gia đình Việt Nam” (28/6) và Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực trong gia đình với những thông điệp hưởng ứng như: Gia đình là nơi bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa dân tộc; Xây dựng nhân cách con người Việt Nam từ giáo dục, đạo đức, lối sống trong gia đình; Xây dựng môi trường gia đình – cộng đồng – xã hội an toàn, lành mạnh; Yêu thương và chia sẽ để giữ gìn hạnh phúc Gia đình.... Tổ chức tọa đàm trao đổi, chia sẽ về “Bí quyết giữ gìn hạnh phúc gia đình”. Đây là một hoạt động vô cùng ý nghĩa để mỗi người làm cha, làm mẹ, làm con có thêm những kiến thức, kỹ năng để nuôi dưỡng sự bền vững của “Hạnh phúc gia đình”, mà hạnh phúc gia đình phải được xây đắp từ nhân cách ý thức, hành động hàng ngày của mỗi thành viên trong gia đình như cha, mẹ,chồng, vợ và con cái...

Để “Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình”, bản thân mỗi chúng ta phải luôn tự ý thức về lẽ sống, cách sống để nhân lên hơn nữa tình yêu thương, trân trọng những khoảnh khắc hạnh phúc của các thành viên trong chính ngôi nhà bé nhỏ của gia đình mình; điều đó cũng góp phần xây dựng cho xã hội ngày càng tươi đẹp hơn.

 

 

Phạm Thị Xuân Hương

 

 

Tin liên quan

Tin mới nhất

Thông điệp của Chủ tịch nước nhân kỷ niệm 20 năm Ngày Gia đình Việt Nam(29/06/2021 11:13 SA)

GIỚI THIỆU TÁC PHẨM: “Văn hoá Gia đình Việt Nam”(28/06/2021 11:12 SA)

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ninh Thuận hướng dẫn tổ chức các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm...(28/05/2021 11:10 SA)

Tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em(19/01/2021 11:00 SA)

Đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em giai đoạn 2020-2025 trên...(17/09/2020 10:51 SA)

83 người đang online
°