5 thông điệp của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Ngày Chuyển đổi số quốc gia

Đăng ngày 11 - 10 - 2022
Lượt xem: 155
100%

 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra 5 thông điệp nhân Ngày Chuyển đổi số (CĐS) quốc gia 10/10/2022. Đây là lần đầu tiên, Ngày CĐS quốc gia được tổ chức

Ngày 10/10/2022, Bộ TT&TT đã tổ chức Ngày CĐS quốc gia lần đầu tiên. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Uỷ ban quốc gia về CĐS; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Uỷ ban quốc gia về CĐS; Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Uỷ ban quốc gia về CĐS; Bộ trưởng Bộ Công nghệ và Truyền thông Lào Boviengkham Vongdara đã tham dự.

Cùng tham dự còn có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện các tổ chức chính trị - xã hội, hội, hiệp hội nghề nghiệp; đại diện các đại sứ quán, tổ chức quốc tế tại Việt Nam; đại diện các doanh nghiệp (DN) và các trường đại học, học viện.

Sự kiện nhằm nhìn lại tiến trình phát triển, các điểm mốc, dấu ấn, bài học kinh nghiệm trong CĐS; tôn vinh tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực cho CĐS; đặc biệt Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về CĐS có thông điệp nhân ngày CĐS quốc gia năm 2022.

Định hướng CĐS quốc gia xuyên suốt trong năm 2022 là đưa hoạt động của người dân lên môi trường số bằng các nền tảng số Việt Nam. Qua đó, hướng tới cụ thể hóa mục tiêu thúc đẩy nhanh hơn nữa tiến trình phổ cập kỹ năng số, phát triển nguồn nhân lực; thúc đẩy các DN công nghệ số Việt Nam nghiên cứu, phát triển các nền tảng số; thúc đẩy các DN Việt Nam đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) lên môi trường số.

CĐS là xu thế tất yếu

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, cùng với xu thế chuyển đổi xanh, CĐS là xu thế tất yếu, khách quan đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng. CĐS góp phần phát huy sức mạnh dân tộc, sức mạnh của thời đại, nguồn lực bên trong và bên ngoài, giúp giải quyết hiệu quả các mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nhân lực; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả SXKD; hạ giá thành sản phẩm; giảm thủ tục hành chính, phiền hà, thời gian, chi phí cho người dân, DN; giúp chính quyền các cấp nâng cao năng lực quản lý, điều hành.

 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: CĐS là xu thế tất yếu, khách quan đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng

Thời gian qua, việc CĐS của Việt Nam đã đạt được các kết quả tích cực: Nhận thức và hành động về CĐS có nhiều chuyển biến; việc xây dựng chiến lược, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách được quan tâm chỉ đạo. Hạ tầng số được tăng cường đầu tư, nhiều nền tảng số tiếp tục phát triển; cơ sở dữ liệu tạo nền tảng cho Chính phủ số, công tác truyền thông được thúc đẩy. Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) triển khai ngày càng hiệu quả, sâu rộng. An ninh, an toàn thông tin tiếp tục được chú trọng. Nguồn lực về tài chính và nhân lực dành cho CĐS được tăng cường. Tỉ trọng đóng góp của kinh tế số vào GDP ngày càng tăng.

Thủ tướng cho rằng, kết quả này mới chỉ là bước đầu, vẫn còn nhiều việc phải làm phía trước. Để thực hiện được CĐS quốc gia một cách hiệu quả, thực chất đòi hỏi phải có chiến lược bài bản, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tạo sự thay đổi phương thức quản lý, vận hành, quản trị xã hội.

Thủ tướng nhấn mạnh: "Quan điểm xuyên suốt của Chính phủ là lấy người dân, DN là trung tâm, chủ thể, mục tiêu và động lực của CĐS. "CĐS phải để người dân, DN hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn".

5 thông điệp đẩy mạnh CĐS Quốc gia

Nhân Ngày CĐS Quốc gia lần đầu tiên được tổ chức, Thủ tưởng Phạm Minh Chính gửi tới các cơ quan quản lý hành chính Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, cộng đồng DN và người dân thông điệp của Chính phủ về đẩy mạnh CĐS quốc gia trong thời gian tới.

Thứ nhất, tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, triển khai hiệu quả Chiến lược CĐS quốc gia. Phát triển đồng bộ cả về thể chế, hạ tầng số, nền tảng số và nguồn nhân lực. Triển khai các giải pháp nhằm nâng cao xếp hạng của Việt Nam về Chính phủ điện tử, đổi mới sáng tạo (ĐMST) và năng lực cạnh tranh toàn cầu theo tiêu chí của các tổ chức quốc tế.

Thứ hai, nâng cao tỷ lệ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến; tăng cường chất lượng cung cấp DVCTT, nâng cao mức độ hài lòng của người dân; tập trung triển khai Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Tránh mọi tư duy cát cứ thông tin, số liệu, dữ liệu, cục bộ, sợ mất lợi ích và va chạm.

Thứ ba, thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực số gắn với ĐMST, ứng dụng khoa học và công nghệ; Chú trọng đào tạo kỹ năng số gắn với thị trường và đáp ứng yêu cầu của CĐS quốc gia.

Thứ tư, các DN cần đẩy nhanh việc đưa hoạt động SXKD lên môi trường số, thiết lập các kênh cung cấp dịch vụ số hiệu quả, nhất là thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến; đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng số, nhất là hạ tầng số dùng chung; chú trọng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển; tăng cường hợp tác quốc tế trong CĐS. Đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và DN.

Thứ năm, tăng cường truyền thông về lợi ích của CĐS để các cơ quan quản lý nhà nước, người dân, DN hiểu rõ về lợi ích và hiệu quả của CĐS, tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà CĐS mang lại. Đẩy mạnh hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng DVCTT, các tiện ích, dịch vụ số an toàn, hiệu quả.

Người đứng đầu Chính phủ cũng khẳng định với quyết tâm và sự chủ động, sáng tạo của cả hệ thống chính trị, cộng đồng DN, người dân thời gian qua, công cuộc CĐS quốc gia sẽ có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và Kế hoạch 5 năm 2021-2025, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả, vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, người dân được ấm no, hạnh phúc.

Ngày CĐS quốc gia: Ngày toàn dân, toàn quốc cùng học tập, cùng nỗ lực hành động

Cũng tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết CĐS là một hành trình dài, toàn dân, toàn diện. CĐS chỉ có thể thành công nếu lấy người dân là trung tâm và huy động sự có sự tham gia của toàn dân. Vì vậy, Ngày CĐS quốc gia là dịp để nâng cao của người dân về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của CĐS của mỗi người dân nói riêng, với sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước nói chung.

 

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: CĐS là phương thức tăng trưởng mới, CĐS là phương thức mới để giải quyết các

vấn đề cuộc sống

Bộ trưởng nhấn mạnh: CĐS là hành động. Nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 là đưa hoạt động của người dân lên môi trường số, thông qua các nền tảng số Make in Viet Nam, tháng 10 là tháng tiêu dùng số. Bộ TT&TT chỉ đạo đánh giá và công bố 16 nhóm nền tảng số phục vụ nhu cầu của người dân. Mạng lưới tổ công nghệ số cộng đồng đã được tiếp cận trên toàn quốc. Hơn 100.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức người lao động trong cơ quan nhà nước từ trung ương đến cấp xã đã được bồi dưỡng, tập huấn cơ bản về CĐS, hơn 5 triệu lượt người dân được tiếp cận, phổ biến kỹ năng số cơ bản thông qua nền tảng học trực tuyến mở đại trà.

Vì vậy, theo Bộ trưởng, "Ngày CĐS quốc gia là ngày toàn dân, toàn quốc cùng nhau học tập, cùng nhau nỗ lực hành động".

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh: CĐS là phương thức tăng trưởng mới, CĐS là phương thức mới để giải quyết các vấn đề cuộc sống. Trong thế giới thực chúng ta đang gặp phải những vấn đề như cạn kiệt tài nguyên, khoảng cách nông thôn và thành thị, một cá nhân không thể sở hữu công nghệ cao đắt đỏ sáng tạo… Kinh tế số sẽ tạo một không gian sống mới là không gian số.

Trong không gian này, theo Bộ trưởng, những vấn đề của giới thực sẽ cơ bản được giải quyết, con người tạo ra tài nguyên dữ liệu, không còn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị trong tiếp cận giáo dục, y tế. Công nghệ cao được cung cấp dưới dạng dịch vụ với giá rất rẻ như điện, như nước, ai cũng có thể tiếp cận, sáng tạo. Con người làm việc trên nền tảng số là đứng trên cả hệ tri thức đồ sộ. CĐS sẽ tạo nên sức mạnh cho mỗi người. 100 triệu người Việt Nam đang CĐS và đây là sức mạnh của Việt Nam.

Tại Chương trình Ngày CĐS quốc gia năm 2022, Bộ TT&TT đã trao giải cuộc thi Tìm kiếm giải pháp CĐS quốc gia đã được tổ chức. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trao giải và phần thưởng cho các bộ, ngành, địa phương, DN, cá nhân có giải pháp CĐS xuất sắc./.

Tin liên quan

Tin mới nhất

Báo cáo Kết quả triển khai thực hiện các nền tảng số phục vụ du lịch, chuyển đổi số lĩnh vực du...(04/04/2024 3:01 CH)

Kế hoạch chuyển đổi số Ngành văn hóa, thể thao và du lịch năm 2023 (04/04/2024 2:58 CH)

Hướng dẫn cập nhật dữ liệu vào phần mềm cán bộ, công chức, viên chức(17/04/2023 3:49 CH)

Trung tâm Thông tin du lịch hỗ trợ Ninh Thuận triển khai phát hành Thẻ du lịch thông minh và áp...(27/03/2023 4:23 CH)

Trung tâm Thông tin du lịch hỗ trợ Ninh Thuận triển khai công tác chuyển đổi số và truyền thông...(24/02/2023 8:27 CH)

22 người đang online
°