Gia đình là tế bào của xã hội, là nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mục tiêu chủ yếu của công tác gia đình trong thời kỳ công nghiệp hoá và hiện đại hoá là ổn định, củng cố và xây dựng gia đình theo tiêu chí ít con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, để mỗi gia đình Việt Nam thực sự là tổ ấm của mỗi người và là tế bào lành mạnh của xã hội.
Đối với tỉnh ta, sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 21/02/2005 của Ban Bí thư về “Xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” đã đạt được nhiều kết quả tích cực; đại đa số cán bộ, đảng viên và người dân trong tỉnh quan tâm và đồng thuận, tin tưởng cao đối với việc triển khai thực hiện chủ trương, chính sách xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế đó là: công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về hôn nhân gia đình, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình… chưa được rộng khắp và thường xuyên; tình trạng tảo hôn, bạo lực gia đình, phụ nữ và trẻ em gái bị xâm hại, trẻ em phải lang thang kiếm sống, lao động trước tuổi, bỏ học giữa chừng, quy phạm pháp luật… vẫn còn xảy ra.
Thời gian tới, để khắc phục những hạn chế nêu trên, đồng thời tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 49-CT/TW của Ban Bí thư, UBND tỉnh đã chỉ đạo cho các sở, ngành và các địa phương theo chức năng nhiệm vụ, tập trung triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật, các quy định, chính sách liên quan đến vấn đề xây dựng gia đình như: Luật Hôn nhân và gia đình, Luật phòng, chống bạo lực gia đình; giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; đưa chủ đề gia đình vào các chương trình tuyên truyền, nêu gương người tốt, việc tốt, phê phán, lên án các biểu hiện không lành mạnh ảnh hưởng cuộc sống gia đình. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác gia đình nhằm nâng cao năng lực, kiến thức pháp luật và các kỹ năng làm cha làm mẹ đối với con gái; tích cực tham gia các hoạt động thi đua về công tác gia đình do cụm thi đua, khu vực thi đua tổ chức. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách dịch vụ xã hội liên quan đến gia đình, cơ sở dữ liệu về gia đình, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Tăng cường công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em, có kế hoạch và biện pháp cụ thể phòng ngừa, phát hiện và xử lý tệ nạn xã hội và bạo hành trong gia đình; nhân rộng mô hình đội phản ứng nhanh về phòng, chống bạo lực gia đình; hướng dẫn các quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực phòng chống bạo lực gia đình nhằm bảo vệ sự ổn định và phát triển của gia đình. Thực hiện tốt công tác trợ giúp pháp lý, phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật; hướng dẫn và kiểm tra hoạt động hòa giải ở cơ sở liên quan đến gia đình; đẩy mạnh công tác bảo trợ xã hội cho nạn nhân bạo lực gia đình. Tăng cường giáo dục cho học sinh, sinh viên kiến thức về đời sống gia đình, kiến thức và kỹ năng sống cho trẻ, kỹ năng ứng xử giữa các thành viên trong gia đình với nhau và với cộng đồng; trong đó cần kế thừa và phát huy những giá trị và truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam gắn với xây dựng những giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển.
Đối với các địa phương cần triển khai kịp thời và quan tâm tới các gia đình đã nhường đất sản xuất cho đô thị hóa, phát triển công nghiệp. Triển khai và mở rộng các loại hình dịch vụ an sinh xã hội để nâng cao năng lực tự chủ của mỗi gia đình, đảm bảo cho các hộ gia đình có cơ hội tiếp cận sự bảo trợ của nhà nước, ổn định cuộc sống, chăm lo giáo dục con cái và chăm sóc người cao tuổi. Phối hợp và tăng cường điều tra, khảo sát toàn diện về gia đình, đặc biệt là nghiên cứu các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình cần giữ gìn, phát huy những giá trị mới, tiên tiến cần tiếp thu. Xây dựng các mô hình gia đình Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; áp dụng các kết quả nghiên cứu để giải quyết những thách thức trong lĩnh vực gia đình và dự báo những biến đổi về gia đình trong thời kỳ mới. Quan tâm bố trí cán bộ làm công tác gia đình và xây dựng đội ngũ cộng tác viên về dân số, gia đình và trẻ em ở cơ sở ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ.
Nguyễn Tiến Thành