Bình đẳng giới vì sự phát triển của phụ nữ
Trong những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội, vai trò và địa vị của người phụ nữ ngày càng được nâng cao và có nhiều phụ nữ tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, giữ những vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước. Đặc biệt vấn đề bình đẳng giới ngày càng được đảng, nhà nước và xã hội quan tâm nhiều hơn.
Nhưng trên thực tế, vấn đề bình đẳng giới ở Việt nam nói chung và các tỉnh thành cả nước nói riêng vẫn còn nhiều bất cập. Nhất là trong các gia đình ít nhiều vẫn còn tồn tại các hiện tượng bất bình đẳng giới như chưa ghi nhận đúng vai trò của nữ giới, sự phân công lao động trong gia đình chưa hợp lý, vẫn còn sự phân biệt và sự bạo hành vẫn xảy ra đối với nữ giới. Nguyên nhân là do còn tồn tại những thành kiến, định kiến về vai trò, vị trí của phụ nữ trong gia đình và xã hội, do tư tưởng gia trưởng của hầu hết nam giới trong gia đình, các định kiến giới thường theo xu hướng thiên lệch, mang tính tiêu cực dẫn đến sự sai lệch và hạn chế trong việc nhìn nhận, đánh giá công việc vai trò của nam và nữ. Điều này khiến cho người phụ nữ không được chia sẽ từ phía của nam giới, mà bản thân phải nặng gánh việc gia đình và việc xã hội dẫn đến việc mất cân đối giữa đời sống gia đình và công việc xã hội, sự bất đồng trong phân công công việc của nữ giới và nam giới trong gia đình cũng nhiều bất cập, thiếu sự sẽ chia từ đó xảy ra tranh chấp, bất hòa dễ đưa đến đổ vỡ hôn nhân hoặc hôn nhân không hạnh phúc.
Xuất phát từ những quan niệm định kiến giới như vậy chính là nguyên nhân gây nên sự bất bình đẳng giới hiện nay. Bên cạnh đó, một số phụ nữ hiểu không đúng về quyền và bình đẳng giới nên đã bỏ quên những giá trị cao quý đặc thù vốn có ở phụ nữ như việc chăm lo nuôi dưỡng con cái, chăm sóc cha mẹ già, làm hậu phương và là chỗ dựa tinh thần của người đàn ông trong gia đình.
Do vậy, để đạt được mục tiêu bình đẳng giới vì sự phát triển của phụ nữ cần có những giải pháp như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quán triệt, đổi mới các hoạt động truyền thông để nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức và đội ngũ cán bộ ở các Hội, Đoàn…đẩy mạnh phong trào phòng chống bạo lực gia đình, tổ chức tập huấn tăng cường năng lực, kiến thức, kinh nghiệm về bình đẳng giới cho các hộ gia đình, chị em phụ nữ tại xã phường, huyện, thành phố... để cả nam và nữ được tiếp cận với giáo dục, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đào tạo nghề giúp tăng thu nhập trong kinh tế của từng hộ gia đình. Bên cạnh đó, các chi hội tại xã phường cơ sở cần xây dựng kế hoạch thành lập các mô hình hoạt động của các câu lạc bộ về “Gia đình hạnh phúc”, thường xuyên tăng cường việc tuyên truyền kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình, vấn đề bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em đến các thành viên của các chi hội, đoàn thể, hộ gia đình tại cơ sở. Quan tâm quy hoạch đào tạo cán bộ nữ vào công tác chuyên môn nghiệp vụ, công tác phát triển đảng, nhất là đảng viên nữ ở nông thôn nhằm mục tiêu tạo nguồn cán bộ nữ tương xứng trong tình hình phát triển kinh tế xã hội hiện nay. Đồng thời cần tổ chức giám sát về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình tại xã phường, huyện thành phố để thể hiện sự quan tâm và vào cuộc của các cấp các ngành để Luật bình đẳng giới, Luật hôn nhân gia đình và phòng chống bạo lực gia đình, quy tắc văn hóa ứng xử trong gia đình... nhằm nâng cao nhận thức tiến tới chuyển đổi hành vi của các tầng lớp nhân dân phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, duy trì sự ổn định, đoàn kết và êm ấm trong mỗi gia đình.
Bình đẳng giới hiện nay không chỉ đơn thuần nói về sự bình đẳng giữa nam và nữ mà còn cả người chuyển giới đều được hưởng những điều kiện như nhau để thực hiện quyền con người và có cơ hội đóng góp, thụ hưởng những thành quả phát triển của xã hội. Điều quan trọng là hình thành các mối quan hệ tốt và gắn kết trên cơ sở của sự hiểu biết và tình thương yêu, tôn trọng lẫn nhau giữa các giới, đem lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân đó cũng là mục tiêu trong mỗi gia đình. Trách nhiệm bình đẳng giới không chỉ là nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi cá thể, mà là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi mái ấm gia đình, của tất cả các đơn vị, ban ngành, đoàn thể và toàn xã hội để thực hiện mục tiêu bình đẳng là xóa bỏ phân biệt về giới tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới thực hiện bình đẳng giới thật sự, thiết lập và củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam và nữ trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội và gia đình. Đây chính là cơ sở quan trọng để xây dựng xã hội văn minh và hạnh phúc./.
Phạm Thị Xuân Hương