GIỚI THIỆU TÁC PHẨM: “Văn hoá Gia đình Việt Nam”
Nhân kỷ niệm 20 năm ngày
Gia đình Việt Nam ( 28/6/2001 – 28/6/2021), nhằm giúp bạn đọc nghiên
cứu, tìm hiểu một cách toàn diện về văn hóa gia đình Việt Nam, Thư viện
tỉnh Ninh Thuận xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc tác phẩm: “Văn hóa
gia đình Việt Nam” của tác giả Vũ Ngọc Khánh, do Nhà xuất bản Thanh
niên phát hành vào năm 2007.
Với dung lượng 377 trang, gồm bốn chương, cuốn sách đã chuyển tải đến bạn đọc những nội dung như sau:
Chương I: Tác giả giới thiệu nền văn hóa gia đình Việt Nam. Ở chương này tác giả dẫn dắt người đọc tìm hiểu về gia đình nhìn theo truyền thống văn hóa Việt Nam, lịch sử gia đình Việt Nam và từ những cơ sở tâm linh để tạo nên văn hóa. Đọc kỹ chương này giúp bạn đọc hiểu được như thế nào là văn hóa gia đình Việt Nam, hiểu được cái văn hóa gia đình truyền thống ấy thì những quan niệm về hôn nhân, dạy dỗ con cái, nghĩa vụ với cha mẹ, ông bà ...sẽ tốt hơn rất nhiều. Đó cũng chính là những tiêu chí mà các gia đình văn hóa ngày nay cần hướng tới. Văn hóa gia đình truyền thốngViệt Nam là vợ chồng sống với nhau là vì nghĩa chứ không chỉ đơn giản vì tình. Nếu vứt cái nghĩa này đi có phải là sự ứng xử đúng đắn có văn hóa không? Tất nhiên chỉ biết có cái nghĩa không chấp nhận tình yêu thì quả là một tội ác. Có văn hóa gia đình, là có cách ứng xử sao cho hòa hợp cả hai vấn đề này. Vấn đề nuôi dạy con cái là vấn đề được tất cả mọi gia đình quan tâm. Dạy con như thế nào cho tốt là cả một vấn đề cần đưa ra thảo luận, một mặt bố mẹ phải tạo mọi điều kiện cho con ăn, mặc, học hành thành người có ích cho xã hội mặt khác bố mẹ cũng phải biết sống ngày hôm nay để tạo ảnh hưởng tốt cho con cháu ngày mai.
Chương II, tác giả đi sâu phân tích những ảnh hưởng của các khuynh hướng tôn giáo,triết học đến văn hóa gia đình Việt Nam như: ảnh hưởng của Nho giáo, Phật giáo, Thiên chúa giáo. Những ảnh hưởng tôn giáo tốt đẹp đã tạo lên một nét văn hóa truyền thống độc đáo của gia đình Việt.
Chương III, tác giả đưa đến cho bạn đọc một bức tranh khá toàn cảnh về văn hóa gia đình Việt nam được phản ánh qua văn học nghệ thuật cả trong văn học dân gian và văn học hiện đại.
Chương IV, tác giả nêu ra một số vấn đề hôm nay để bạn đọc nghiên cứu, bàn luận, tham khảo và có thể vận dụng trong cuộc sống của chính mình đó là những vấn đề về văn hóa gia đình, nghệ thuật sống trong gia đình ( nghệ thuật làm mẹ, làm cha, làm ông, làm con…) và chữ nhẫn bí quyết của văn hóa gia đình.
“ Văn hóa gia đình Việt Nam” là tác phẩm nghiên cứu khá toàn diện sắc nét về văn hóa gia đình Việt Nam cả truyền thống và hiện đại, thông tin đến người đọc được khá nhiều vấn đề hôm nay về gia đình để chúng ta cùng suy ngẫm, kiểm nghiệm. Trong phong trào xây dựng Gia đình văn hóa của cả nước nói chung và tỉnh Ninh Thuận nói riêng ngày nay. Hy vọng cuốn sách sẽ mang đến nhiều thông tin bổ ích cho bạn đọc.
Phạm Thị Thơm