Giới Thiệu Những Câu Nói Của Chủ Tịch Hồ Chí Minh Về Đại Đoàn Kết Toàn Dân Tộc

Đại đoàn kết dân tộc là một giá trị tinh thần to lớn, một truyền thống cực kì quý báu của dân tộc ta, được hun đúc trong suốt mấy ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Đoàn kết đã trở thành một động lực to lớn, một triết lý nhân sinh và hành động để dân tộc ta vượt qua bao biến cố, thăng trầm của thiên tai, địch họa, để tồn tại và phát triển bền vững. Trên cơ sở thực tiễn cách mạng Việt Nam và thực tiễn cách mạng thế giới đã sớm hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc.

 


Bác Hồ bắt nhịp bài ca Kết đoàn. Ảnh tư liệu

Với nhãn quan chính trị sắc bén, với tinh thần nhân văn cao cả, suốt cả cuộc đời, Hồ Chí Minh đã không ngừng xây dựng, hoàn thiện một hệ thống quan điểm về đại đoàn kết dân tộc, tích cực truyền bá tư tưởng đoàn kết trong toàn Đảng và các cấp chính quyền, trong các tầng lớp nhân dân, kể cả đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc.

Chuyên đề năm 2020 : học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về “Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”, cho nên việc nghiên cứu, tìm hiểu sâu kỹ các bài viết, câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đoàn kết để hiểu rõ tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc của Người là vô cùng cần thiết đối với mỗi cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân để thực hiện học tập và làm theo. Trong khuôn khổ bài viết này tôi xin hệ thống lại những câu nói về đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời với mong muốn tiếp tục tuyên truyền chuyên đề học tập và làm theo Bác năm 2020.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc -Hồ Chí Minh rất nhiều lần nói về đoàn kết.

Trên hành trình bôn ba tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc nhận thấy: “Bọn đế quốc áp bức chúng ta và đối xử với chúng ta như loài vật, đó là vì chúng ta không đoàn kết! Nếu chúng ta đoàn kết chúng ta sẽ trở nên đáng gờm” và Người viết trong Tuyên ngôn của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức (1925): “Hỡi các bạn thân yêu, chúng ta nên sớm kết đoàn lại! Hãy hợp lực để đòi quyền lợi và tự do của chúng ta! Hãy hợp lực để cứu lấy nòi giống chúng ta!”

Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, cứu dân, đầu năm 1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước cùng Trung ương Đảng trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Ngay từ những năm tháng nước nhà chưa giành được độc lập, trong bài “Kính cáo đồng bào” viết ngày 6/6/1941, Bác kêu gọi “Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy. Chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa nóng”.

  Ngay khi về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng nước ta, cùng với rất nhiều hoạt động thực tiễn nhằm tuyên truyền tổ chức lực lượng cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành thời gian để viết cuốn “Lịch sử nước ta” bằng thơ. Chắc chắn đây không phải là công việc dễ dàng, vì đòi hỏi ở tác giả một vốn kiến thức phong phú và hệ thống về lịch sử dân tộc. Một tập thơ ngắn, chưa đầy 250 dòng, nhưng đã thâu tóm được toàn bộ lịch sử Việt Nam từ thời Hùng Vương dựng nước đến các phong trào cách mạng đầu thế kỷ XX. Tư tưởng chủ đạo của tập “diễn ca” “Lịch sử nước ta” là cùng với chủ nghĩa yêu nước, dân tộc ta đã sớm phát huy tinh thần đoàn kết (đoàn kết trong các triều đại phong kiến, đoàn kết toàn dân, và quan trọng nhất là sự đoàn kết chung sức chung lòng giữa những người lãnh đạo đất nước với toàn thể nhân dân). Trong cuốn “Lịch sử nước ta” bằng thơ, tác giả Hồ Chí Minh phân tích rất kỹ sức mạnh của sự đoàn kết và thực tế lịch sử cũng chứng minh  thời kỳ nào mà triều đình phong kiến quay lưng lại với nhân dân, thì tất yếu khối đoàn kết dân tộc bị lỏng lẻo và thời kỳ đó đất nước, nhân dân - đồng bào thường bị lâm vào cảnh bị áp bức bóc lột.

Trên báo “Việt Nam độc lập” số ra ngày 1/2/1942, Bác viết: “Sử ta dạy cho ta bài học này: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn. Vậy nay ta phải biết đoàn kết, đoàn kết mau, đoàn kết chắc chắn thêm lên mãi dưới ngọn cờ Việt Minh để đánh đuổi Tây - Nhật, khôi phục lại độc lập, tự do”.

Trong thư gửi đồng bào Công giáo ngày 14/10/1945, Người viết: “Không đoàn kết thì suy và mất. Có đoàn kết thì thịnh và còn. Chúng ta phải lấy đoàn kết mà xoay vần vận mệnh, giữ gìn dân tộc và bảo vệ nước nhà”.

Nói chuyện tại Hội nghị đại biểu Mặt trận Liên-Việt toàn quốc ngày 10/1/1955, Người giải thích: “Đại đoàn kết tức là trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân ta là công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác. Đó là nền gốc của đại đoàn kết. Nó cũng như cái nền của nhà, gốc của cây”.

Phát biểu tại lễ mừng Quốc khánh 2/9/1955, Người nhấn mạnh: “Đoàn kết là một lực lượng vô địch. Lực lượng đoàn kết đã giúp Cách mạng tháng Tám thành công. Lực lượng đoàn kết đã giúp kháng chiến thắng lợi. Lực lượng đoàn kết sẽ động viên nhân dân từ Bắc đến Nam đấu tranh thực hiện hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ trong cả nước”.

Nói chuyện tại Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ 2 ngày 25/4/1961, Người nhắc lại câu nói đã trình bày trong cuộc Đại hội hợp nhất Việt Minh - Liên Việt năm 1951: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, Thành công, thành công, đại thành công”. Người khẳng định: “Đoàn kết là một chính sách dân tộc, không phải là một thủ đoạn chính trị” và điều ấy không chỉ đúng với đoàn kết toàn dân,còn đúng với cả đoàn kết trong Đảng. Khi nhấn mạnh “đoàn kết trong Đảng là quan trọng hơn bao giờ hết”, Người nói rõ mục đích để “làm cho quần chúng mến Đảng, ra sức ủng hộ Đảng và tự giác, tự nguyện chịu Đảng lãnh đạo”; đoàn kết trong Đảng thể hiện cả trong tư tưởng, hành động, không được giả tạo, hình thức mà phải thực chất, đoàn kết phải là đoàn kết thống nhất, đoàn kết trên nền tảng đường lối, quan điểm của Đảng và vì lợi ích của tập thể, “Muốn đoàn kết chặt chẽ trong Đảng, ắt phải thống nhất tư tưởng, mở rộng dân chủ nội bộ, mở rộng tự phê bình và phê bình”.

Trong bản “Di chúc” thiêng liêng Người để lại đã có  3 đoạn với khoảng 140 từ nói về “đoàn kết” khẳng định ba quan điểm lớn: 

“Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hǎng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”.

“Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.

“Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.

Trong “Hồ Chí Minh toàn tập” do Nhà xuất bản chính trị Quốc gia phát hành đã thống kê được 839 trên tổng số 1921 bài nói, bài viết đề cập đến vấn đề đại đoàn kết, chiếm tới hơn 40%. Nghiên cứu toàn bộ di sản của Người, có thể thấy từ “đoàn kết” được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc trên 2000 lần và cụm từ “đại đoàn kết” trên 80 lần. Điều đó chứng minh sự quan tâm lớn nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh là vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc và cũng cho chúng ta thấy rõ tầm chiến lược tư tưởng đoàn kết của Người.

Khắc ghi lời dạy của Người và cũng là thực hiện lời thề với Bác trước lúc Bác đi xa, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã, đang và sẽ “Hết lòng, hết sức giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Ðảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình, tăng cường sức chiến đấu của Ðảng làm hạt nhân cho khối đoàn kết toàn dân, bảo đảm cho sự nghiệp  cách mạng của giai cấp và dân tộc Việt Nam hoàn toàn thắng lợi”.

Hiện nay, trước yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới, Đảng ta tiếp tục khẳng định đoàn kết trong Đảng hướng tới đại đoàn kết toàn dân tộc là vấn đề chiến lược của cách mạng. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã đúc kết một trong những bài học lớn của cách mạng Việt Nam là: “Không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết: Đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế. Đó là truyền thống quý báu và là nguồn sức mạnh to lớn của cách mạng nước ta”.

Phạm Thị Thơm