Hội thảo tham vấn Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030
Vừa qua, tại thành phố Đà Nẵng đã diễn ra Hội thảo tham vấn Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 do Vụ Bình đẳng giới thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Đại sứ quán Úc tại Việt Nam cùng với cơ quan Liên hiệp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tổ chức, với sự tham dự của các đại biểu thuộc các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Chương trình Hội thảo tham vấn đưa ra những vấn đề cần trao đổi như việc rà soát kết quả thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, trong đó nêu rõ những thành tựu, tồn tại và khó khăn, thách thức của các giải pháp thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược để từ đó làm cơ sở xây dựng Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới trong giai đoạn 2021-2030.
Bình đẳng giới là một trong những yếu tố then chốt để phát triển kinh tế - xã hội toàn diện và bền vững. Trong đó chính sách thúc đẩy bình đẳng giới là một trong những trụ cột của các chính sách xã hội. Phát biểu tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng trong những năm qua, việc thực hiện Chiến lược bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 ở nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội được nâng cao. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế như: tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo còn thấp, bạo lực giới, gánh nặng công việc gia đình của phụ nữ vẫn chưa được chia sẻ…
Để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới, các đại biểu đã đề xuất nhiều ý kiến cụ thể, thiết thực như: Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 cần được xây dựng trong bối cảnh kinh tế - xã hội hiện tại, những vấn đề giới, quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu về bình đẳng giới và các giải pháp thực hiện Chiến lược phải cụ thể và mang tính đột phá nhằm tiếp tục giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước. Những vấn đề giới cần đặt ra và ưu tiên giải quyết trong những mục tiêu Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 cần cụ thể và đột phá. Bình đẳng giới vừa là mục tiêu vừa là động lực cho sự phát triển bền vững của đất nước. Công tác bình đẳng giới là một nội dung xuyên suốt trong các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của mọi người dân. Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 cần hướng tới các mục tiêu như: Tập trung thay đổi, xóa bỏ các định kiến giới là điều kiện tiên quyết để đạt được bình đẳng giới thực chất; tăng cường bình đẳng giới trong lãnh đạo, quản lý; tăng cường bình đẳng giới trong tiếp cận việc làm có chất lượng và khởi sự doanh nghiệp; tăng cường bình đẳng giới trong giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển nguồn nhân lực; tăng cường bình đẳng giới trong chăm sóc sức khỏe, tăng cường bình đẳng giới trong gia đình; tăng cường bình đẳng giới trong phòng ngừa và ứng phó bạo lực trên cơ sở giới; tăng cường bình đẳng giới trong ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và thảm họa môi trường; nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bình đẳng giới.
Về các giải pháp để thực hiện Chiến lược giai đoạn 2021-2030, nhiều ý kiến cũng đề xuất: Vai trò chỉ đạo sâu sát, mạnh mẽ của cấp ủy và chính quyền là rất quan trọng; cần lồng ghép việc thực hiện Chiến lược bình đẳng giới vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội các cấp, các ngành; phân bổ ngân sách cho lồng ghép bình đẳng giới và thực hiện chiến lược, quy trách nhiệm cho người đứng đầu trong việc chỉ đạo công tác lồng ghép giới và thực hiện chiến lược bình đẳng giới, đồng thời thành lập ban chỉ đạo thực hiện chiến lược do người đứng đầu đơn vị phụ trách; tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân, thay đổi định kiến giới là giải pháp căn bản, thường xuyên lâu dài, luôn luôn đổi mới sáng tạo về phương thức, hình thức…
Phạm Thị Xuân Hương